GAME – MỘT TRONG CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DỊCH BỆNH
Đầu năm 2020, quả bom mang tên “COVID-19” đã giáng một đòn đau vào hầu hết tất cả các ngành nghề, làm cho kinh tế trên toàn thế giới kể cả những quốc gia lớn như Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản… đều phải chao đảo và bị đình trệ bởi dịch bệnh. Tuy vậy đối với “ngành công nghiệp game” thì đây chính là cơ hội vàng để phát triển mạnh mẽ hơn.
Trong thời điểm dịch COVID-19 càng ngày càng phức tạp như hiện nay, mọi người dần có xu hướng tìm kiếm niềm vui thông qua các dịch vụ giải trí trực tuyến nhằm xóa tan đi cảm giác chán chường khi cách ly tại nhà, như âm nhạc, các tác phẩm văn học, phim ảnh,… và đặc biệt là về game, một thú vui đa dạng lâu dài và thích hợp với mọi lứa tuổi.


Vượt qua cả nghệ thuật thứ 7 – điện ảnh, game đã trở thành người dẫn đầu trên cuộc đua giữa các ngành công nghiệp giải trí trong vài năm gần đây. Điểm tiêu biểu trong giai đoạn phát triển của ngành công nghiệp game vừa qua là việc các bộ môn Esports – thể thao điện tử chính thức được đưa vào môn thi đấu trong SEA Games 31 được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm 2021.
GIÁ TRỊ MÀ GAME MANG LẠI


Đối với nền kinh tế số, bên cạnh thương mại điện tử thì game là một trong các lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế phát triển bởi đây là một ngành kinh doanh đặc thù xuyên biên giới có thể hoạt động ở bất kỳ thị trường nào. Một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản,… thu lại lợi nhuận khổng lồ từ game mỗi năm cả trong và ngoài nước.
Còn đối với Việt Nam, cụ thể theo báo cáo của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tại hội nghị đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021 mới đây, doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015.
Chính sự tác động của dịch bệnh đã làm thay đổi dần các thói quen cũng như hành vi của người tiêu dùng. Thông qua việc chơi game, mọi người có thể giải tỏa căng thẳng cũng như tương tác, kết nối các mối quan hệ lại với nhau. Game dần trở thành một công cụ tích cực và tiện ích đem đến nhiều giá trị cho mọi người cả về tinh thần lẫn vật chất.
TUY VẬY, GAME VẪN CHƯA ĐƯỢC XEM LÀ MỘT NGÀNH MŨI NHỌN TẠI VIỆT NAM, NÚT THẮT Ở ĐÂU?
Đầu tiên, phải kể đến chính sách quản lý, kiểm soát và kiểm duyệt các nội dung của game còn gắt gao. Các vấn đề về thuần phong mỹ tục vẫn luôn là một nỗi niềm nan giải với các nhà sáng tạo game, nó gò bó sự sáng tạo về nội dung, kịch bản game ở một mức hạn nhất định.


Thứ hai, vấn đề về nhân lực và kinh nghiệm. Chất xám của người trẻ Việt là không giới hạn, với tài năng cũng như sự sáng tạo của mình thì người Việt đủ khả năng để tạo nên những tựa game hay nhưng chính sự non nớt cũng như nguồn nhân lực, nguồn vốn không đủ để tạo thành một hệ sinh thái game phát triển và bền vững.
Đã từng có những dự án và những tựa game được cộng đồng trong và ngoài nước đón nhận rất tích cực như game platform* Flappy Bird hay game về lịch sử Việt Nam 7554,… nhưng chúng cũng chỉ tồn tại ở một thời gian ngắn. Về Flappy Bird bị lập trình viên Nguyễn Hà Đông khai tử vì một số vấn đề cá nhân ra thì game 7554 lại xui xẻo hơn khi Hiker Games (nhà sáng tạo game 7554) lựa chọn thời điểm phát hành game khắt khe nhất – thời điểm crack game và game lậu thịnh hành nhất trong thị trường game Việt Nam, do đó dù có được danh tiếng nhưng Hiker Game vẫn không thể chối bỏ sự thật rằng họ đã đánh đổi 17 tỷ cho một bài học lớn. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà sáng tạo game đã không dám thử thách bản thân bởi nó tiêu tốn rất nhiều kinh phí, công sức cũng như thời gian nhưng để hái được “trái ngọt” từ nó lại rát khó. Các bạn trẻ chỉ dám theo đuổi đam mê và chứng tỏ bản thân của mình thông qua việc tham gia các công ty nước ngoài hoặc tạo ra một tựa game chỉ phát hành ở thị trường quốc tế. Nó dần trở thành một kim đồng hồ quay ngược khi game do người Việt làm nhưng lại nổi tiếng ở nước ngoài mà trong nước lại không.
* Platform Game là dạng trò chơi đi cảnh,người chơi sẽ điều khiển nhân vật của mình chạy nhảy vượt qua các chướng ngại vật hay giải đố để qua các màn chơi


Cuối cùng, rào cản lớn nhất từ trước đến giờ đều là vì hai chữ “định kiến”. Nghiện, bạo lực, đồi trụy, nhảm nhí,… dẫn đến suy đồi về đạo đức và thay đổi hành vi con người chính là điều mà một vài thành phần game thủ đã đem lại, chính nó mang đến cho mọi người đặc biệt là phụ huynh cái nhìn không mấy thiện cảm với game điện tử nói riêng và các loại game khác nói chung.
NGÀNH CÔNG NGHIỆP GAME VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT THỊ TRƯỜNG CÓ TẦM? CÁCH THÁO GỠ.
Hiện nay, nhà nước cũng đã và đang tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp game. Ông Vũ Quốc Huy, giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết:“Ngành công nghiệp game là một ngành có thị trường rất tiềm năng. Phía cơ quan nhà nước nên đưa ra các nguyên tắc không quá chặt chẽ, tạo thêm thuận lợi cho các nhà lập trình viên về game được sáng tạo và chủ thể hệ sinh thái cũng nên đảm bảo nguyên tắc nào đó trong quá trình sáng tạo của mình” ngoài ra ông cũng chia sẻ thêm “Hiện nay NIC cũng có một số chương trình hỗ trợ sáng tạo, trao đổi, tài chính, thương mại hóa sản phẩm dịch vụ, quảng bá,… nhằm thúc đẩy đổi mới và sáng tạo của ngành game”


Ngoài ra, đối với nhà phát triển game cần tiết chế lại yếu tố bạo lực trong nội dung hoặc trong thiết kế hình ảnh nhân vật của mình cùng với đó là giới hạn lại thời gian chơi để đảm bảo sức khỏe người dùng. Cộng với việc kết hợp cùng các phương tiện truyền thông để tạo dựng lên một cộng đồng game có văn hóa cho thấy những giá trị lợi ích, mặt tốt, mặt tích cực mà game đem lại cho người chơi.
Muốn xây dựng nên một thị trường game có giá trị thì cần có sự quan tâm và sẻ chia của nhà nước cũng như của cộng đồng. Hỗ trợ và đồng hành với nhà sáng tạo game trên con đường cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Ngành công nghiệp game cần nghiên cứu và phát triển chuyên sâu hơn về lĩnh vực này, cung cấp môi trường đào tạo và làm việc để những bạn trẻ có đam mê có thể tận dụng khả năng sáng tạo, kĩ năng kỹ thuật của mình để giúp ngành game Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, điều cần thiết là các studio và công ty làm game phải xác định rõ hướng đi của mình nhằm tiếp cận và khai thác đúng phân khúc thị trường người dùng tùy theo thể loại game mà mình đang phát triển.
CHIẾN DỊCH ĐANG ĐƯỢC KHỞI XƯỚNG
Trong các năm gần đây, một vài nhà phát triển game độc lập đã và đang lên những dự án được nhiều người hưởng ứng rất tích cực, chẳng hạn trong năm 2021 này cộng đồng game thủ sẽ đón chào các tựa game đậm chất Việt Nam: “Hoa” của Skrollcat, “Cỏ Máu” của TEGA Studio, “Tai Ương” của Beaztek Studio và “Thần Trùng” của DUT Studio.


Game đa dạng các thể loại được phát triển trên nhiều những nền tảng khác nhau, nhưng phổ biến và thuận tiện nhất vẫn là trên chiếc điện thoại thông minh (mobile game).Theo báo cáo “Ứng dụng di động” từ Appota, doanh số trả phí cho ứng dụng game mobile của Việt Nam có thể đạt 205 triệu USD trong năm 2021, thị trường game di động tăng trưởng mạnh “nhờ” đại dịch.
Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp game tại Việt Nam phát triển hơn nữa thì bên cạnh việc hỗ trợ sâu sát với các game studio, công ty game nước ngoài, đội ngũ chuyên môn của Google còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp game non trẻ của Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo như Indie Games Accelerator hay đưa sản phẩm từ Việt Nam tiến ra thế giới thông qua hội chợ game quốc tế G-Star Busan.
* G-Star Busan và Indie Games Accelerator là những hoạt động thiết thực của Google nhằm hỗ trợ các công ty phát triển game độc lập của Việt Nam trong việc đẩy mạnh hơn nữa việc thâm nhập các thị trường quốc tế tiềm năng.


Và vào 02/06/2021, Google sẽ bắt đầu chương trình “𝐓𝐡𝐢𝐧𝐤 𝐆𝐚𝐦𝐞𝐬 𝐕𝐢𝐞𝐭𝐧𝐚𝐦 𝟐𝟎𝟐𝟏” theo 3 tiêu chí: Kiến tạo. – Kết nối – Mở rộng quy mô. Như các tiêu chí trên Google sẽ bắt đầu chuỗi 3 ngày chương trình từ 02/06 – 04/06 với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn về các chuyên môn trong lĩnh vực ngành công nghiệp game, những nhà sáng tạo game thành công trên con đường của mình nhằm tạo điều kiện học hỏi các kiến thức chuyên môn, kết nối cộng đồng và mở rộng quy mô kinh doanh dành cho các lập trình viên, studio, nhà đầu tư và cộng đồng game thủ.
Đoan Trang Trần