Các giáo viên đang quan ngại về vấn đề học sinh sử dụng chatbot AI mới để qua mặt các công cụ chống đạo văn, lười tư duy và không làm bài tập cá nhân.


Công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI vừa mới công bố chatbot mới mang tên ChatGPT, có khả năng viết luận văn, kịch bản, gõ code và giải toán như người thật. Công ty cho biết đây sẽ là công cụ thông minh mới có thể giúp ích phục vụ trong môi trường giáo dục như lớp học, đặc biệt là ở những nơi số lượng giáo viên ít hoặc nhu cầu học trực tuyến (online) là chủ yếu.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã bày tỏ thái độ và độ quan ngại khi công cụ thông minh mới này sẽ gây hạn chế khả năng tư duy nghiên cứu, đọc và viết của học sinh, sâu xa hơn thậm chí học sinh có thể lợi dụng các tính năng tiện lợi trên chatbot AI để làm các bài tập, các bài tiểu luận mà không cần sử dụng đến các tài liệu tham khảo khác trên mạng như Wikipedia,…
Những ý nghĩ sai lệch về trí tuệ thông minh AI
Theo Forbes, ChatGPT đã được ứng dụng rộng rãi với hơn một triệu người đăng ký mới chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt. Đây là công cụ Trí tuệ thông minh có thể trả lời người dùng bằng cách sử dụng nguồn tài liệu khổng lồ trên Internet và dựa vào các đánh giá từ người dùng để thay đổi câu trả lời cho phù hợp.
Nhưng không phải tất cả thông tin chatbot này đưa ra đều chính xác. Nó có thể sẽ không trả lời được những vấn đề nóng sốt, mới diễn ra vì bộ dữ liệu chỉ cập nhật đến năm 2021. Bên cạnh đó, ChatGPT còn gặp khó khăn với những câu hỏi dài, nhiều ký tự. Chính CEO Sam Altman của Open AI cũng thừa nhận hạn chế của ChatGPT: “ChatGPT vẫn còn nhiều thiếu sót nhưng lại khiến mọi người cho rằng nó hoàn hảo. Vì thế, không nên phụ thuộc vào chatbot này cho những vấn đề quan trọng”


Khi những công nghệ như AI ngày càng phát triển, học sinh cũng dần phụ thuộc chúng trong việc học, thậm chí sớm và nhanh hơn cả giáo viên. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng vì điểm yếu rất lớn đến từ ChatGPT nên các học sinh không nên lạm dụng và phụ thuộc quá nhiều vào nền tảng thông minh này. Thay vào đó, học sinh nên nghiên cứu, đọc và cần quan tâm đến nguồn gốc thông tin và trích dẫn tài liệu trong các văn bản khoa học.
Trí tuệ thông minh qua mặt các phần mềm đạo văn
Theo Forbes, giáo viên thường sử dụng các phần mềm check đạo văn để xác minh độ tin cậy các bài làm của học sinh. Ứng dụng này đối chiếu văn bản với cơ sở dữ liệu nguồn, tìm ra được những nội dung sao chép và tỷ lệ trùng lặp trên mỗi bài.
Nhưng nếu học sinh sử dụng ChatGPT, Turnitin (Phần mềm check đạo văn) sẽ không thể phát hiện vì thông tin từ chatbot AI mới chưa được cập nhật vào bộ dữ liệu gốc. Những thông tin được sao chép từ ChatGPT sẽ đánh lừa phần mềm phát hiện đạo văn.


Ngoài ra, khi sử dụng các phần mềm AI sẽ làm xói mòn đi sự sáng tạo và tư duy bằng cách tự nghiên cứu, đọc và viết. Bà Whitney Shashou – nhà sáng lập của công ty tư vấn giáo dục Admit NY, nhận định: “Nếu có sẵn một công cụ như ChatGPT, quy trình đánh giá khả năng viết của học sinh sẽ không còn hiệu quả vì bài làm không thể hiện thực chất khả năng của chúng”.
Nhưng nhiều nhà giáo dục cho rằng ChatGPT vẫn có thể trở thành một công cụ hữu hiệu dùng trong lớp học hơn là rủi ro đe dọa đến công việc của các giáo viên. Chatbot AI sẽ giúp học sinh khi chúng bí ý tưởng hay cần tham khảo những tài liệu liên quan đến bài tập.