NGÔI SAO MỚI TRÊN BẢN ĐỒ AI
Một trong những sứ mệnh quan trọng nhất của VinAI là phát triển trí tuệ nhân tạo cho các dòng xe ô tô điện thông minh tự hành sắp tới của VinFast, thương hiệu ô tô của Vingroup, nhằm hiện thực mục tiêu xuất khẩu xe sang các thị trường toàn cầu.
Đây là thách thức lớn đối với Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, người đứng đầu VinAI và các cộng sự. Là một nhà nghiên cứu AI hàng đầu với gần 6.000 trích dẫn từ hơn 200 bài báo, ông Hưng cũng từng đạt Huy chương vàng trong cuộc thi Olympic Toán quốc tế khi còn trẻ.
Chỉ trong vòng hai năm, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng đã xây dựng đội ngũ bao gồm 200 nhà nghiên cứu và kỹ sư AI. Năm ngoái, ông cùng đội ngũ đã công bố tới hơn 20 công trình nghiên cứu tại các hội thảo AI hàng đầu thế giới, mở rộng ranh giới trong nghiên cứu AI và cùng lúc tăng cường việc chuyển giao công nghệ AI vào nhiều sản phẩm của Vingroup
“Đến tháng 7, chúng tôi sẽ có một hạm đội những chiếc xe thu thập dữ liệu 24/7, trên những cung đường thực tế lên đến hàng triệu dặm tại Mỹ và châu Âu. Và đây sẽ chỉ là khởi đầu, khối lượng dữ liệu chúng tôi phải thu thập sẽ ngày càng lớn hơn” Tiến sĩ Hưng chia sẻ.
Nhóm sẽ khai thác dữ liệu để thiết kế và tinh chỉnh ít nhất hơn 10 mô hình AI nhằm hỗ trợ khả năng lái xe tự động cấp độ 3 cho ô tô điện của VinFast.


DGX SUPERPOD – ĐỘNG LỰC PHÍA SAU
Tiến sĩ Hưng dự đoán cần phải huấn luyện lại các mô hình AI hàng ngày khi có dữ liệu mới. Ông tin rằng DGX SuperPOD có thể tăng tốc gấp 10 lần để xử lý khối công việc AI của hệ thống NVIDIA DGX A100 mà VinAI hiện đang sử dụng, cho phép các kỹ sư cập nhật mô hình của họ sau mỗi 24 giờ.
“Đó là mục tiêu hướng tới, chúng tôi sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian. Chúng tôi sẽ cần rất nhiều sự trợ giúp từ NVIDIA” ông nói và hy vọng vào tháng 5/2021 sẽ có cụm 20 hệ thống DGX A100 mới được liên kết với nhau với NVIDIA Mellanox HDR Mạng InfiniBand 200Gb/s.
ĐÀO TẠO CÁC TÀI NĂNG ĐẲNG CẤP THẾ GIỚI
Với siêu máy tính DGX SuperPOD, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng hy vọng sẽ thu hút và phát triển thêm nhiều tài năng AI đẳng cấp thế giới tại Việt Nam.
Vào tháng 10 năm ngoái, công ty đã tổ chức buổi lễ đánh dấu kết thúc năm học đầu tiên cho 260 sinh viên đầu tiên tại Đại học VinUniversity. Đây là Đại học tư thục và phi lợi nhuận đầu tiên của Việt Nam, do tập đoàn Vingroup sáng lập và tài trợ toàn phần, hiện đang cung cấp các chương trình đào tạo về kinh doanh, kỹ thuật, khoa học máy tính và khoa học sức khỏe.
Đây cũng là dấu hiệu của một tương lai tốt đẹp hơn, như toà Landmark81 – tòa nhà chọc trời 81 tầng cao nhất cả nước mà Vingroup đã xây dựng và vận hành bên bờ sông Sài Gòn. Viện trưởng VinAI cho rằng: “Công nghệ AI là cách để đưa công ty phát triển và có thể tạo ra nhiều tác động đến cuộc sống của người dân ở Việt Nam.” Ông Hưng cũng lưu ý thêm các bộ phận khác trong tập đoàn cũng sử dụng hệ thống DGX để thúc đẩy chẩn đoán và hình ảnh y tế.
MỘT CUỘC SỐNG TỐT ĐẸP HƠN VỚI CÔNG NGHỆ AI
Tiến sĩ Hưng cũng là người đã tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng tích cực của trí tuệ nhân tạo. Công việc ban đầu của ông trong lĩnh vực này tại SRI International ở Menlo Park, California, đã giúp tạo ra công nghệ trợ lý Siri trong iPhone của Apple.
Gần đây, VinAI đã phát triển công nghệ cho phép người dùng thiết bị di động cầm tay VinSmart mở khóa điện thoại bằng nhận dạng khuôn mặt – ngay cả khi đang đeo khẩu trang phòng chống COVID. Đồng thời, các nhà nghiên cứu AI cốt lõi tại VinAI đã phát triển Pho-BERT, một phiên bản dành cho tiếng Việt của mô hình Transformer khổng lồ và được sử dụng để xử lý ngôn ngữ tự nhiên.


Đây là những công trình đẳng cấp thế giới mà hai năm trước, Chủ tịch Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng mong muốn từ VinAI.
Ông Vượng cũng là người thuyết phục Tiến sĩ Bùi Hải Hưng rời khỏi vị trí nhà khoa học nghiên cứu trong nhóm DeepMind của Google để chuyển qua phát triển dự án tại VinAI.
ĐỊNH HƯỚNG TƯƠNG LAI AI
Năm ngoái, để tăng cường năng lực, VinAI mở rộng và đã trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á lắp đặt hệ thống DGX A100.
“Chúng tôi đã sử dụng thành công phần cứng và phần mềm mới nhất của NVIDIA trong nhận dạng giọng nói, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính. Giờ đây, chúng tôi đang đưa công nghệ của mình lên tầm cao mới với hệ thống nhận diện cho xe tự hành” Tiến sĩ Hưng cho biết.
Đó là một thách thức trong bối cảnh làn sóng người đi bộ, xe đạp, xe tay ga và ô tô ngày càng gia tăng tại Hà Nội. “Khi về Việt Nam, tôi phải học lại cách lái xe trong điều kiện giao thông rất khác so với Mỹ” Tiến sĩ Hưng chia sẻ. “Sau một thời gian, tôi mới thích nghi được. Điều kiện lái xe ở Việt Nam là thách thức lớn về công nghệ đối với bất kỳ hệ thống xe tự hành”.