Trong năm 2021 vừa qua, trước tình hình dịch bệnh, khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhưng đây dường như trở thành cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi số. Có thể nói, công nghệ đã trở thành công cụ đắc lực và không thể thiếu ở bất kỳ lĩnh vực nào. Nhờ đó mà Việt Nam tiến lên một bậc thang mới để bắt kịp với xu hướng công nghệ của thế giới. Dưới đây là 5 điểm sáng trong năm 2021 do CafeTek tổng hợp.
ỨNG DỤNG THÀNH CÔNG MẠNG 5G TRONG VIỆC SỐ HÓA ĐƯỜNG HOA NGUYỄN HUỆ
Nếu như trong năm 2020, Việt Nam đã thử nghiệm thành công mạng 5G thì với năm 2021, nước ta đã ứng dụng thành công vào thực tiễn. Và trong đó, dự án số hóa Đường hoa Nguyễn Huệ là một trong những ứng dụng thành công của mạng 5G, góp phần tạo nên một diện mạo mới cho ngành du lịch Thành phố. Thông qua việc sử dụng các công nghệ máy bay không người lái như Matrice 300 RTK, công nghệ video 360 độ và thực tế ảo tại đường hoa mà người dân có thể chủ động tương tác thời gian thực với người đang ghi hình qua kênh livestream như Facebook, Youtube,… với tốc độ 5G, để có thể trải nghiệm video toàn cảnh một cách chân thực nhất dù đang ở bất cứ đâu.


Có thể nói, việc số hóa đường hoa sẽ mở đầu cho xu hướng phát triển du lịch thông minh, nhằm cung cấp dịch vụ thuận tiện cho người dân cũng như nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền trước cuộc cách mạng công nghiệp lần 4, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hiện nay đang chịu ảnh hưởng từ Covid-19.
TRIỂN KHAI TRUNG TÂM ĐIỀU HÀNH THÔNG MINH, TỪNG BƯỚC TIẾN ĐẾN THÀNH PHỐ THÔNG MINH
Trong năm 2020, thành phố Hồ Chí Minh đã thành công trong việc triển khai cùng lúc 3 trung tâm điều hành thông minh bao gồm Trung tâm điều hành y tế thông minh, Trung tâm điều hành giáo dục thông minh và Trung tâm đô thị thông minh quận 1. Ở năm 2021 này, nhiều quận huyện trên địa bàn đã bắt đầu triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển Trung tâm điều hành thông minh.


Tiêu biểu như Trung tâm điều hành thông minh IOC thành phố Thủ Đức, được triển khai với nhiều chức năng trên mọi lĩnh vực điều hành quản lý. Với hệ thống dữ liệu liên tục cập nhật, không chỉ cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành cho Lãnh đạo thành phố để ra quyết định nhanh chóng, kịp thời. Mà còn cho phép người dân và doanh nghiệp tham gia tương tác, sử dụng và cập nhật; tạo ra các ứng dụng và tiện ích phục vụ cuộc sống. Bên cạnh đó, 24 quận huyện khác trong thành phố cũng đang từng bước thực hiện các dự án số hóa dữ liệu, để đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh vào năm 2025.
CÁC GIẢI PHÁP CÔNG NGHỆ PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 KỊP THỜI ĐÁP ỨNG NHU CẦU CỦA NGƯỜI DÂN
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng trong năm vừa qua, nhiều giải pháp công nghệ được ra đời để nhằm phục vụ nhu cầu người dân. Trong đó có thể kể đến các như Tổng đài 1022 được mở rộng thành 7 kênh để đáp ứng các nhu cầu người dân với tổng số cuộc gọi trong thời gian 5 tháng dịch là hơn 2,1 triệu lượt, cùng với đó là triển khai nhanh các ứng dụng trí tuệ nhân tạo như callbot, chatbot trong chăm sóc F0. Hơn nữa, ứng dụng PC-Covid được hoàn thiện và kết nối với 4 cơ sở dữ liệu quan trọng từ Chính phủ, đã có hơn 29,1 triệu người dùng trên toàn quốc.


Không những thế, nhiều Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 được hình thành kịp thời để kiểm soát dịch bệnh, là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các cấp chính quyền trong công tác quản lý.


Đáng chú ý nhất chính là Việt nam đã sản xuất thành công Vaccine Nano Covax dựa trên công nghệ tái tổ hợp để kích thích tạo đáp ứng miễn dịch phù hợp. Vaccine được Hội đồng Đạo đức chấp thuận các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng và sẽ hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022.
CÔNG NGHỆ TRỞ THÀNH XU HƯỚNG VẬN HÀNH CỦA VIỆT NAM
Từ việc đối phó với tình hình dịch bệnh như buộc phải chuyển sang hình thức trực tuyến thì trong năm 2021, công nghệ dần trở thành xu hướng vận hành của Việt Nam ở mọi mặt. Đó là ứng dụng mạnh mẽ AI (trí tuệ nhân tạo) vào các lĩnh vực như giáo dục, kinh tế, quản lý nhà nước,… Cụ thể như việc dạy và học trực tuyến, hay các doanh nghiệp phải chuyển sang hình thức làm việc từ xa để duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất. Đặc biệt là ở các cấp chính quyền, nhà quản lý theo dõi thông tin và chỉ đạo thực hiện qua trung tâm điều hành thông minh.


Cùng với đó, dưới sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và công nghệ Việt Nam, nhằm mục đích ươm tạo các sản phẩm công nghệ mới, đáp ứng xu hướng vận hành của Việt Nam, nhiều cuộc thi công nghệ được tổ chức. Có thể kể đến như cuộc thi Thử thách Đổi mới sáng tạo Qualcomm Việt Nam (QVIC), Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (trong sự kiện TechFest Việt Nam 2021), … Thông qua đó, thu nhận về các giải pháp sáng tạo mới, góp phần tạo nên sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ đang lớn mạnh tại Việt Nam.
VIỆT NAM GHI TÊN TRÊN BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ THẾ GIỚI
Năm 2021 vừa qua, tập đoàn Vingroup đã xuất khẩu thành công ô tô điện VinFast đạt chuẩn an toàn 5 sao theo ASEAN NCAP sang các một số nước Đông Nam Á như Lào, Indonesia,… Đặc biệt, tại Triển lãm ô tô Los Angeles 2021, VinFast chính thức ra mắt thương hiệu xe điện VF e35, VF e36 với nhiều ứng dụng công nghệ mới. Sự kiện này đã đánh dấu bước tiến ra quốc tế của VinFast, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng xe điện. Sự xuất hiện của VinFast tại Triển lãm đã đưa Việt Nam trở thành điểm sáng mới trên bản đồ ô tô thế giới. Song song với việc mở rộng thị trường, Vingroup còn nâng cao chất lượng xe điện khi tiến hành mở các nhà máy sản xuất pin tại Việt Nam và Mỹ, bước đầu đánh dấu thương hiệu trên toàn cầu.


Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trên đà phát triển và hòa nhập vào xu hướng không tiền mặt thông qua dịch vụ Mobile Money của VNPT. Được tích hợp các công nghệ hàng đầu của ngành ngân hàng và viễn thông như định danh điện tử eKYC, AI/Big Data, Machine Learning, QR code,… Mobile Money được đánh giá là giải pháp thanh toán an toàn, tiện lợi hàng đầu hiện nay và hướng đến thúc đẩy hệ sinh thái tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Như vậy, trong năm 2021, Việt Nam gặp phải nhiều khó khăn vì tình hình dịch bệnh kéo dài nhưng đây lại là cơ hội tiềm năng để thúc đẩy việc số hóa nền kinh tế của Việt Nam. Tiếp thu và thừa hưởng những thành công năm 2020, các giải pháp công nghệ của Việt Nam đã dần hoàn thiện, hướng đến sự phát triển bền vững và đa dạng trong hệ sinh thái công nghệ. Có thể nói, hiện tại và cả trong tương lai, công nghệ không chỉ là công cụ để giúp người dân tin tưởng vào các nhà quản lý mà còn là chìa khóa để Việt Nam vươn ra thế giới.
MINH TÚ