Sáng ngày 25/7 vừa qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) đã có cơ hội được tư vấn chiến lược bán hàng trên sàn thương mại điện tử trong Chương trình “Innovation & Meetup – Chiến lược bán hàng trên sàn thương mại điện tử trong nước”. Chương trình được tổ chức bởi Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) phối hợp với Swiss EP tổ chức.
Việc lựa chọn thương mại hóa sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam như Tiki, Lazada, Shoppee, Sendo,…đã không còn là điều mới lạ. Tuy nhiên, nhiều chủ doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp chưa thực sự hiểu hết tầm quan trọng, quy trình vận hành, cách thức hoạt động hiệu quả đối với hình thức thương mại này.
Trong buổi gặp gỡ, các starup chia sẻ rằng thương hiệu và sản phẩm của họ đã được ra đời từ cách đây nhiều năm nhưng chưa bao giờ thử bán trên sàn thương mại điện tử vì chưa có đánh giá về hiệu quả từ kênh phân phối này. Ngoài ra, một số starup khác còn gặp phải thách thức bởi đối thủ cạnh tranh không lành mạnh nhưng không biết phải xử lý làm sao. Đó cũng là các vấn đề sẽ được giải đáp trong sự kiện này.
Tham gia buổi gặp gỡ có 3 vị khách mời là các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong ngành bao gồm: Ông Nguyễn Minh Đức – Phó Trưởng Ban Đào Tạo, đại diện Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch, đại diện Hiệp Hội thương mại điện tử Việt Nam, ông Ngô Trần Thịnh – Đại diện HTV Cafetek.








Các chuyên gia nhấn mạnh, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có mang lại hiệu quả thật sự, dù đây là một quá trình đòi hỏi nhiều công sức đầu tư và nghiên cứu. Bên cạnh đó, để thành công khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp cần chú trọng vào nội dung quảng cáo giúp tăng sự tin tưởng từ phía khách hàng và tiến đến quyết định mua hàng nhanh chóng hơn.
Trong chương trình, ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh: Đang có có hơn 1 triệu sản phẩm và hơn 10.000 thương hiệu đang hoạt động thương mại hóa. Mỗi ngày có hơn 3.500.000 lượt khách truy cập trên các sàn thương mại điện tử. Trong đó, ngành hàng Thời Trang và Làm Đẹp thu về hơn 717 triệu đô trong năm 2019. Theo sau là các ngành hàng như: Điện tử, thực phẩm, nội thất, đồ chơi, du lịch,…
Nửa sau chương trình, từng doanh nghiệp đã có cơ hội được tiếp cận, giải đáp thắc mắc và nhận lời khuyên hữu ích trực tiếp từ các chuyên gia. Qua đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ mục tiêu, lên kế hoạch cụ thể và triển khai hoạt động.
Vườn ươm Doanh nghiệp Công nghệ cao (SHTP-IC) có vai trò tạo nên hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận mạng lưới liên kết giữa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng với các đối tác, chuyên gia. Chương trình đã tạo ra sự thu hút nhiều doanh nghiệp starup là hội viên, các doanh nghiệp đang hoạt động độc lập, cơ quan báo chí cùng tham gia.