(HTV) – Vụ nổ thảm khốc do hàng nghìn tấn áp lực từ nước đè lên tàu lặn Titan đã làm dấy lên hàng loạt nghi vấn về lỗi thiết kế dẫn đến thảm họa dưới lòng Đại Tây Dương.
Vào ngày 18/6/2023, 5 nhà tỷ phú, doanh nhân, giám đốc điều hành và chuyên gia lặn đã thiệt mạng bên trong chiếc tàu lặn Titan của OceanGate – công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ thám hiểm xác tàu Titanic. Với chuyến đi trị giá 250.000 đô, chiếc tàu lặn mất liên lạc với tàu mẹ sau 1 giờ 45 phút để rồi được phát hiện là đã phát nổ do chịu áp suất của nước ở độ sâu gần 4.000 m.


Những nạn nhân xấu số
1. Vô tâm phớt lờ những cảnh báo kỹ thuật
Được đóng theo dạng hình trụ làm bằng sợi các-bon, tàu Titan có sự khác biệt so với hầu hết các tàu lặn được thiết kế theo dạng hình cầu. Theo giáo sư tại Đại học Rhode Island (Mỹ), khối cầu là hình dạng hoàn hảo của tàu lặn bởi vì tất cả các khu vực ngoài tàu đều chịu áp lực lớn như nhau. Do đó, thiết kế khác biệt của Titan có thể khiến vỏ ngoài phải chịu nhiều áp lực hơn các tàu lặn thông thường.
Bởi lẽ, việc kéo dài không gian cabin làm tăng tải trọng mỏi và tải trọng tách lớp. Cụ thể, gia tăng tải trọng mỏi có thể làm giảm sức bền, giống như việc vặn đi vặn lại 1 sợi dây thép cho tới khi nó bị đứt lìa. Trong khi đó, tăng tải trọng tách lớp đồng nghĩa với việc tàu phải chịu nhiều áp suất.


Thiết kế của Titan
Theo ông Graham-Jones – phó giáo sư kỹ thuật cơ khí và hàng hải tại Đại học Plymouth (Anh), phần thân làm từ sợi các-bon của Titan dường như đã chịu áp lực liên tục khi từng trải qua 20 phi vụ lặn trước đó. Do đó, vật liệu các-bon tổng hợp sẽ có tuổi thọ hạn chế hơn khi chịu đựng quá mức, và những vết rạn nứt dù cỏ nhỏ nhưng vẫn sẽ không thể kiểm soát được mức độ phá hủy.
Theo ông David Lochridge – cựu Giám đốc vận hành của OceanGate, thiết kế của tàu Titan chưa được kiểm chứng, nên ông đã gặp mặt trực tiếp ban lãnh đạo OceanGate để yêu cầu kiểm tra đặc biệt đối với thiết kế vỏ thân tàu. Bởi lẽ, cửa quan sát của tàu chỉ có thể chịu được áp suất ở độ sâu 1.300m. Trong khi đó, công ty OceanGate lại có kế hoạch chở khách xuống thám hiểm xác tàu Titanic với độ sâu khoảng 4.000m dưới đáy Đại Tây Dương.
Tuy nhiên, thay vì cân nhắc cảnh báo để thực hiện biện pháp an toàn, OceanGate đã cáo buộc ông Lochridge vi phạm thỏa thuận bảo mật khi tiết lộ thông tin độc quyền và lập tức sa thải cựu giám đốc. 2 tháng sau báo cáo của ông Lochridge, 38 chuyên gia bao gồm kỹ sư, nhà hải dương học, nhà thám hiểm đại dương đã tiếp tục cảnh báo công ty OceanGate về trường hợp của Titan.


OceanGate lách qua vòng kiểm duyệt
Dù vậy, công ty này vẫn cố tình luồng lách để ko phải qua bất kì vòng kiểm tra chất lượng quốc tế nào. Họ từ chối đăng ký kiểm định an toàn từ Cục Đăng kiểm Hoa Kỳ và Công ty dịch vụ chứng nhận an toàn của châu Âu, với phát ngôn công khai đang phối hợp sản xuất tàu Titan với những tổ chức uy tín như hãng sản xuất hàng không Boeing, đại học Washington, và cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA). Tuy nhiên, không hề có một đơn vị nào kể trên xác nhận mối quan hệ hợp tác với OceanGate.
Không chỉ vậy, công ty này còn cho rằng công cuộc kiểm tra sẽ tốn rất nhiều tiền của lẫn thời gian, và công bố tàu lặn của hãng đã vượt xa các tiêu chuẩn an toàn của DNV – tổ chức đăng kiểm lớn nhất thế giới.
Không chỉ cố gắng ngụy biện cho sự cẩn trọng trong thiết kế của tàu lặn, OceanGate còn nhận được sự hưởng ứng từ các tỷ phú đam mê vào vai những nhà thám hiểm đại dương.


Hình ảnh mô phòng Titan thám hiểm Titanic
Theo nhà thám hiểm đại dương Victor Vescovo, ông từng được 2 hành khách trong con tàu Titan hỏi cố vấn liệu có nên đi khám phá xác tàu Titanic. Dù đã cố gắng khuyên ngăn, nhưng Vescovo cho rằng khao khát được phiêu lưu, khám phá đại dương đã giúp 2 người khách kia vượt qua nỗi sợ.
Theo các chuyên gia tâm lý, những cuộc phiêu lưu nguy hiểm kích thích trí tò mò của giới siêu giàu. Peter Anderson, giám đốc điều hành công ty du lịch cao cấp Knightsbridge Circle, nói với tờ Times rằng người giàu đã quá quen với vô vàn kỳ nghỉ xa xỉ, đến mức họ phải tìm đến các trải nghiệm độc đáo và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.
Ngoài ra, nhiều người thành công cho rằng họ có khả năng đạt được thành tựu trong mọi lĩnh vực, kể cả ở những chuyên môn họ không có kinh nghiệm. Vì thế, họ tin rằng du lịch mạo hiểm là thách thức mà họ cần phải trải qua để cảm thấy trọn vẹn hơn trong cuộc sống.
2. Những lỗ hổng trong công cuộc giám sát chất lượng an toàn của dịch vụ thám hiểm
Sau tai nạn của tàu lặn titan, hàng loạt lỗi kỹ thuật của tàu ngầm này được vạch trần từ ự chủ quan của OceanGate.
Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện pháp lý để đảm bảo an toàn cho ngành dịch vụ thám hiểm, quá trình giám sát an ninh của Hoa Kỳ cũng tồn tại nhiều lỗ hổng. Cụ thể, Đạo luật An toàn của tàu chở khách năm 1993 không thể được áp dụng đối với tàu Titan, vì OceanGate không đăng ký phạm vi hoạt động của con tàu này trong vùng biển của Hoa Kỳ.
Theo thông thường, tàu lặn Titan sẽ được đưa lên 1 tàu vận chuyển của Canada. Tàu vận chuyển này sẽ đi đến vùng biển quốc tế ở phía bắc Đại Tây Dương, tới gần vị trí xác Titanic và thả tàu Titan xuống ở đó.


Vùng biển không thuộc chủ quyền của Hoa Kỳ
Ông Bart Kemper, 1 thành viên khác trong nhóm 38 chuyên gia kể trên, giải thích rằng OceanGate có thể thoát khỏi đạo luật của Hoa Kỳ do chỉ vận hành tàu Titan trong vùng biển quốc tế – nơi không có quy định mang tính toàn cầu nào về hoạt động của tàu lặn. Do đó, Tuần duyên Hoa Kỳ cũng không có hiệu lực hay quyền hạn gì đối với Titan.
3. Bài học sương máu từ thảm họa Titanic – bản thiết kế vĩ đại và bi tráng của nước Anh
Nhắc đến sự cố kinh hoàng nhất trong lịch sử hàng hải, Titanic vẫn luôn là trường hợp gây ám ảnh do từng được con người đảm bảo 2 tính năng an toàn bậc nhất thời đại lúc bấy giờ.


Ác mộng kinh hoàng nhất của lịch sử ngành hàng hải
Với cấu tạo 2 đáy, cùng 16 khoang kín nước riêng biệt ở thân tàu, chẳng ai ngờ rằng một chiếc tảng băng trôi lại có thể đâm đúng vào phần gần mũi, dọc thân tàu, chứ không phải trực diện vào thân. Để rồi khi sức nước chứa vào bên trong quá lớn, 6 khoang đầu tiên bị thất thủ đã khiến cho 2 tính năng an toàn này cũng trở nên vô dụng. Hậu quả là từ “kình ngư bất khả chiến bại” trên đại dương, con tàu huyền thoại này đã trở thành mồ chôn của hơn 1.500 sinh mạng xấu số.
Cũng chính vì lẽ đó, dù 111 năm đã trôi qua, nhưng Titanic vẫn luôn là lời nhắc nhở về những biến số mà nhân loại không bao giờ có thể thôn tính, cũng sự đảm bảo tuyệt đối về mức độ an toàn là điều không thể nào xảy ra. Kể cả ở trong thời đại bây giờ, khi sự chuẩn bị tỉ mỉ tới từng mm, cùng cảm giác tự tin khi dựa vào khoa học kỹ thuật như một điểm tựa hoàn hảo cho quá trình tiến hóa toàn diện, nhưng có lẽ, con người sẽ không thể nào giải đáp được mọi biến cố, hoặc hoàn toàn chinh phục được mẹ thiên nhiên. Bởi lẽ, nếu chỉ cần một chút lơ là hoặc thiếu cẩn trọng vào những khoảnh khắc nguy cấp nhất, hậu quả sẽ trở nên thật kinh hoàng.