Nhiều người đã sống sót đầy may mắn trong các vụ tấn công vũ trang khi chính những chiếc smartphone đã giúp họ đỡ đạn. Vậy những chiếc điện thoại này có gì đặc biệt mà đến đạn cũng không xuyên thủng. Hãy cùng tìm hiểu xem những câu chuyện dưới đây.
Những chiếc điện thoại thông minh là một công nghệ tuyệt vời. Ngoài các chức năng thực hiện cuộc gọi, truy cập tin tức, giúp kết nối với bạn bè và gia đình, cung cấp chính xác vị trí thì kỳ diệu hơn nữa là những chiếc điện thoại thông minh còn có thể cứu mạng chủ nhân của mình.


CHỐNG ĐẠN NHỜ LỚP VỎ THIẾT KẾ BẰNG KIM LOẠI
Mới đây nhất, một người đàn ông Brazil đã sống sót đầy may mắn trong một vụ cướp có vũ trang khi chiếc smartphone của anh ấy đã chặn lại viên đạn do tên cướp bắn ra. Được biết, người đần ông này chỉ bị một vết bầm tím do viên đạn sượt qua trước khi bị chiếc điện thoại cản lại. “Người hùng” cứu mạng chủ nhân trong trường hợp này là chiếc Motorola G5. Điều thú vị là smartphone này sử dụng lớp vỏ bọc in hình nhân vật “người khổng lồ xanh” Hulk. Nhiều người hài hước cho rằng chính sức mạnh của Hulk đã giúp đỡ lại viên đạn của tên cướp kia.
Tuy nhiên, sự thật về chiếc Motorola G5 có khả năng cản được đạn chính là nhờ lớp vỏ được thiết kế kim loại cao cấp, tuy nhẹ nhưng dày hơn đáng kể so với các dòng trước (9.5 mm) cùng khung nhôm chắc chắn, không quá bất ngờ khi sản phẩm có thể trở thành “tấm khiên” có thể cản được đạn.


Bên cạnh trường hợp hy hữu đó, vào năm 2017, một vụ xả súng đã xảy ra tại thành phố Las Vegas (Mỹ). Trong lúc hỗn loạn, một cô nàng không may bị trúng đạn, tuy nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra khi chiếc iPhone 7 Plus đã đỡ giúp cô “một mạng”. Với cấu trúc thân vỏ bằng kim loại cùng kính chịu lực, tuy chỉ dày 7.1 mm, chiếc iPhone 7 Plus vẫn có thể trở thành lá chắn trước độ sát thương của viên đạn và sau tất cả, cô chỉ bị xây xát nhẹ.


NHỮNG CHIẾC ĐIỆN THOẠI CÓ CẤU TẠO VỎ NHỰA ĐẶC BIỆT CŨNG KHÔNG HỀ KÉM CẠNH
Tuy nhiên, không phải chỉ điện thoại có vỏ kim loại mới có khả năng chống đạn. Chiếc iPhone 5C có vỏ bằng nhựa đã từng cứu 1 chàng thanh niên tên Daniel Kennedy, 25 tuổi, sống tại Anh vào năm 2015. Anh chàng cho biết đã bị bắn vào ngực bằng súng săn ở cự ly gần, nhưng chiếc iPhone 5C đặt trong túi áo của anh này đã đỡ giúp áp lực viên đạn, giúp anh không nguy hiểm đến tính mạng.
Có thể thấy iPhone 5C dù làm bằng nhựa nhưng chất liệu nhựa này khá đặc biệt chứ không hề rẻ tiền và ít nhất thì iPhone 5C cũng có vẻ cứng cáp. Apple đã sử dụng polycarbonate để làm chất liệu chính cho vỏ ngoài của iPhone 5C, cùng với đó là việc gia cố bằng khung kim loại bên trong. Chính điều này đã giúp cho iPhone 5C có một lớp vỏ vô cùng chắc chắn.


Được làm cùng chất liệu vỏ với iPhone 5C, vào năm 2014, một sĩ quan cảnh sát người Brazil cũng đã may mắn sống sót sau khi chiếc smartphone Nokia Lumia 520 đã đỡ đạn giúp anh. Ngoài lớp kính chống trầy, nắp lưng của Lumia 520 cũng sử dụng chất liệu nhựa polycarbonate, không phải loại nhựa hai lớp như Lumia 620. Chiếc điện thoại này cũng thành công cứu chủ nhân của nó khỏi nguy hiểm.


KHI KÍCH CỠ LỚN CŨNG LÀ LỢI THẾ
Ngoài chất liệu hay độ dày, thì yếu tố kích thước cũng giúp chiếc điện thoại phát huy tốt vai trò này. Năm 2014, một người Đài Loan có tên Han, 38 tuổi, cũng đã thoát chết sau khi chiếc smartphone Galaxy Mega 6.3 đặt trong túi áo ngực đã đỡ giúp viên đạn bay vào phần tim của người này.
Bỏ qua các thông số kỹ thuật, điểm đặc biệt của Galaxy Mega 6.3 là màn hình rộng 6.3 inch, chính kích thước của máy nên máy trở thành một chiếc bia đỡ đạn lý tưởng.


Và trên đây chỉ là một số trường hợp may mắn thoát khỏi “tử thần”, tất nhiên không phải điện thoại nào cũng có khả năng chống được đạn. Còn tùy thuộc vào độ sát thương của các loại súng và các loại đạn khác nhau. Dù chưa có công bố chính thức nào về tính năng chống đạn này, nhưng từ những câu chuyện có thật ở trên cũng giúp chúng ta biết thêm những điều thú vị xung quanh những chiếc smartphone thân thuộc này.
PHƯƠNG THẢO