Vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện ra một thế giới đại dương tiềm ẩn trên vệ tinh tự nhiên Mimas, một hành tinh tưởng chừng như đã chết của sao Thổ. Theo đó, nếu các nhà nghiên cứu đã tìm ra nhiều bằng chứng thuyết phục về chuyện này thì có khả năng mở rộng số lượng các hành tinh có thể sinh sống được trong hệ mặt trời của nhân loại. Các vệ tinh tự nhiên này thường được gọi là “mặt trăng” của hành tinh đó. Ví dụ như vệ tinh tự nhiên của Trái Đất là Mặt trăng, tuy nhiên một hành tinh có nhiều hơn một vệ tinh tự nhiên, chẳng hạn như sao Hỏa có hai vệ tinh tự nhiên là Phobos và Deimos.


Được biết, vấn đề về những “mặt trăng băng giá” với bằng chứng về đại dương ẩn sâu dưới bề mặt đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các nhà khoa học gần đây. Hai ví dụ được biết đến nhiều nhất trong hệ mặt trời có thể kể đến là Enceladus của Sao Thổ và Europa của Sao Mộc. Đây được coi là những hành tinh có sự sống ở ngoài vũ trụ. Đặc biệt là Enceladus, khi các nhà nghiên cứu phân tích từ mẫu nước biển trong lòng vệ tinh này, họ đã phát hiện ra trong đó có chứa các thành phần cần thiết để duy trì sự sống.
Nhưng trong khi bề mặt của cả Europa và Enceladus có dấu hiệu của hoạt động địa chất, cho thấy một nguồn nhiệt bên trong và cho phép nước lỏng tồn tại, thì bề mặt của Mimas bị đóng vảy khá dày, khiến nhà khoa học Alyssa Rhoden của Viện Nghiên cứu Tây Nam (SwRI) nghi ngờ đó là “chỉ là một khối băng đông lạnh”.


Tuy nhiên, giờ đây Rhoden cho rằng vẻ ngoài của Mimas đang che giấu một đại dương bên trong lòng hành tinh. Trong nghiên cứu được công bố mới nhất trên tạp chí Icarus, Rhoden và đồng nghiệp là Matthew Walker tại Viện Khoa học Hành tinh ở Tucson, Arizona, cho biết rằng những sự dao động nhỏ bé trên quỹ đạo mặt trăng được phát hiện bởi tàu vũ trụ Cassini của NASA. Hiện tượng này có thể được giải thích bằng lực hấp dẫn tương tác giữa “mặt trăng” Mimas với sao Thổ và tạo ra đủ nhiệt để duy trì một lượng nước lỏng bên dưới lớp vỏ băng dày. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu đã cho thấy rằng lớp băng bao quanh Mimas có thể dày từ khoảng 14 đến 20 dặm.


Có thể nói, phát hiện sự sống trên Mimas của sao Thổ là một “mục tiêu hấp dẫn để nghiên cứu thêm”, Rhoden cho biết. Và việc nghiên cứu những mặt trăng tiềm năng như thế của các hành tinh sẽ giúp cho con người khám phá được những địa điểm có sự sống trong thái dương hệ. Trong tương lai, các nhà khoa học mong muốn có thể tìm hiểu và nghiên cứu sự sống ở các hành tinh xa Mặt trời hơn như là sao Thiên Vương,…
MINH TÚ (Theo TheVerge)