Hội thảo trực tuyến đặt vấn đề về việc ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) vào các trò chơi để đo lường thái độ, hành vi khi tham gia giao thông của học sinh Việt Nam, từ đó giúp thay đổi và nâng cao nhận thức nhiều mặt về an toàn khi tham gia giao thông.
Buổi chia sẻ “Phát triển An toàn giao thông thông minh” là một trong bốn hội thảo trực tuyến thuộc chuỗi sự kiện “Shaping the Unknown Future toward Smart City”, được Viện Đô thị thông minh và Quản lý (ISCM) – Đại học Kinh tế TP.HCM tổ chức với sự tham gia của nhiều diễn giả tại châu Âu – Á TBD.
Buổi thảo luận đi vào tìm hiểu cách thức ứng dụng công nghệ hay AI vào an toàn giao thông cũng như giáo dục dài hạn trên thế giới và tại Việt Nam lồng ghép cùng câu chuyện Bình đẳng giới. Qua đó, hoạt động tìm kiếm sự quan tâm và chung tay xây dựng nền tảng giáo dục tại Việt Nam để ứng dụng hữu hiệu và chủ động công nghệ trong việc thay đổi hành vi, thói quen đi lại an toàn cho các em học sinh, sinh viên nói riêng và toàn xã hội.
Bàn về các ý tưởng xây dựng và phát triển giáo dục an toàn giao thông bền vững và thông minh, hội thảo phân tích tầm quan trọng của việc đánh giá giáo dục an toàn giao thông chính là một quá trình lâu dài và lý do điều này là cần thiết trong vấn đề bình đẳng giới – một trong những mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững. Trong đó, các diễn giả đã cùng chia sẻ những tình huống giao thông ở từng đất nước và giải pháp, ý tưởng ứng dụng công nghệ và AI nhằm giải quyết các vấn đề về an toàn cũng như tự do và thoải mái di chuyển của nữ giới nói riêng.


Riêng về khía cạnh Giới và Bình đẳng giới trong giao thông đi lại bền vững và thông minh, các diễn giả chia sẻ nhiều kinh nghiệm giải quyết của từng đất nước nơi các vấn đề về giới được xem như mối quan tâm đặc biệt. Hội thảo cũng bàn về hướng phối hợp đồng bộ và linh hoạt các dự án, chính sách xã hội trong tương lai khi nhu cầu sử dụng và mối quan tâm của nữ giới trong an toàn tham gia giao thông luôn tồn tại sự khác biệt.
Các ý tưởng này được đưa ra nhằm tìm cách nâng cao an toàn đi lại của nữ giới khi tham gia giao thông và thúc đẩy việc tiếp cận bình đẳng và an toàn với các phương tiện giao thông ở nữ giới. Điển hình có thể kể đến là việc sử dụng AI cho một ứng dụng có thể tải về và hoạt động trên điện thoại cá nhân, giúp nữ giới dễ dàng nắm bắt thông tin an toàn giao thông, tránh bị quấy rồi, lạm dụng, bên cạnh đó giúp hỗ trợ nâng cao phòng vệ và cảnh giác khi tham gia giao thông công cộng.


Tại đây, TS. Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị thông minh & Quản lý (ISCM) đã chia sẻ về ý tưởng tạo ra hoạt động webinar cũng như chủ đề “Phát triển An toàn giao thông thông minh”. Theo đó, viện ISCM mong muốn duy trì tất cả những mối quan hệ quốc tế rộng rãi, mạnh mẽ đã xây dựng được, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và hỗ trợ giữ gìn, thúc đẩy các tương tác này để cùng học hỏi, chia sẻ các nhu cầu thông tin và hướng giải quyết dưới mỗi góc nhìn riêng, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới.
Bên cạnh chia sẻ của các diễn giả, viện ISCM nhận định Việt Nam đã có sẵn năng lực, khả năng về mặt công nghệ, sự phát triển để ứng dụng công nghệ vào giáo dục, giúp thay đổi hành vị, thái độ của sinh viên và hỗ trợ phát triển bình đẳng giới trong an toàn giao thông. Viện cũng cho biết hiện đang Kết hợp với trường đại học tại Bỉ thực hiện nền tảng giáo dục Road to School (R2S), áp dụng hình thức “game hóa” vào các hoạt đông giáo dục để học sinh tham gia một cách chủ động và có thể ngay tại nhà.
Các trò chơi được thiết kế với hình thức hấp dẫn khi có thăng hạng và điểm số nhằm tăng sự thú vị và thu hút sự quan tâm của các em. Từ đó, việc “game hóa” giúp đo lường hành vi và nhận thức của các em, đáng giá mức độ thay đổi nhận thức thông qua quá trình chơi game và tác động đến hành vi thực tế. Đó cũng là lý do viện ISCM cần đến sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành, thậm chí trong thử nghiệm và sau khi đánh giá được hiệu quả thực tế để khuyến khích tham gia và mở rộng dần các kênh tiếp cận.


Chủ đề thảo luận được đưa ra khi thực trạng an toàn giao thông tại Việt Nam luôn là một vấn đề nóng. Chính phủ đã và đang hỗ trợ nhiều nguồn lực từ nhân lực, vật lực và tri thức nhằm làm giảm các vụ tai nạn giao thông những số vụ tai nạn giao thông ở trẻ em lại gia tăng. Và hướng giải quyết quan trọng nằm ở việc ứng dụng công nghệ để thay đổi hành vi, thói quen đi lại của các em. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tạo một nền tảng giáo dục hữu hiệu và chủ động cho thế hệ học sinh, sinh viên để thay đổi từ bên trong.
Ngoài ra, vấn đề về giới cũng cần được chú trọng giáo dục và ứng dụng công nghệ trong phát triển giáo dục an toàn giao thông. Vì vậy, hoạt động hội thảo lần này cũng chính là mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ và chung tay hiện thực hóa giải pháp đến từ các cơ quan nhà nước, đơn vị giáo dục và các đối tác, cá nhân, tổ chức có quan hệ mật thiết với doanh nghiệp…