Cuộc sống gấp gáp đang đòi hỏi chúng ta phải tận dụng tối đa công nghệ để cải thiện năng suất lao động, tạo ra các giá trị ngày càng cao cho xã hội. Đó là lúc khai sinh ra một số ngành nghề mới, trong đó có nhóm nghề 4.0. Khác với các ngành nghề truyền thống, nhóm nghề thường nổi bật với khả năng chủ động ứng dụng công nghệ và sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.
Tuy nhiên, định nghĩa về nghề 4.0 vẫn còn khá xa lạ với nhiều người dù các nghề này đã dần phổ biến trong giới trẻ, nhất là các nghề “hot” như e- sport gamer/pro gamer, Streamer, Food stylist, Fashionista, Content Creator, Influencer hay Creative Director… Không chỉ mơ hồ về khái niệm nghề, một số nghề 4.0 còn bị định kiến hoặc hiểu sai dù chúng thực sự tạo ra giá trị cho xã hội và mang lại thu nhập không nhỏ cho nhiều người trong nghề.


Điển hình trong số này là e-Sport Gamer hay Streamer, các nghề này vẫn còn phải bị không ít người định kiến cho là “vô bổ”, “tốn thời gian” và đánh đồng những người trong nghề này là những kẻ “kêu lổng, vô công rồi nghề”. Vậy thực tế những nghề 4.0 này có quá mơ hồ hay vô bổ như một số người nghĩ hay không?
Hãy lấy ví dụ với nghề chia sẻ nội dung được phát trực tiếp trên mạng hay còn gọi là streamer, hiểu đơn giản hơn thì họ là những người đứng trước camera và tạo ra các nội dung giải trí, chia sẻ về trải nghiệm liên quan đến các tựa game tới cộng đồng những người quan tâm hoặc fan hâm mộ của họ.
Nghề streamer lại càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia sau khi bùng nổ các hình thức phát sóng trực tiếp live-stream hay streaming qua các trang web hoặc mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok. Các streamer đã từng bước trưởng thành, tạo ra thương hiệu riêng cho mình với những mức thu nhập “khủng”, góp phần thay đổi các định kiến tiêu cực và khiến các bậc phụ huynh bắt đầu có cái nhìn nghiêm túc hơn về nghề streamer. Đặc biệt là với sự xuất hiện của một loạt streamer nổi tiếng Việt Nam như Viruss, QTV, Quang Cuốn, Misthy, Xuka, Linh Ngọc Đàm, Yuri,…
Nhưng cũng như các nghề khác, nghề streamer không chỉ hào nhoáng như bề ngoài nhìn vào, bởi để trở thành một streamer có khả năng hái ra tiền và “sống” được với nghề, bạn sẽ phải đổ không ít mồ hôi và cả nước mắt để sáng tạo ra các nội dung thú vị nhằm lôi kéo nhiều người xem nội dung livestream hoặc video của bạn. Chẳng hạn như kênh YouTube của streamer Quang Cuốn hiện đã thu hút hàng triệu lượt theo dõi.
Một khi đã thu hút được người xem, các streamer sẽ phải tìm cách để cân bằng giữa việc chơi game để có trải nghiệm và phát triển nội dung của kênh, để có sức khỏe chạy theo nghề. Nhất là trong bối cảnh tính cạnh tranh của nghề này đang ngày càng cao. Ngoài áp lực về sức khỏe, các streamer cũng phải đối mặt với áp lực về sáng tạo và làm mới nội dung liên tục nếu muốn giữ chân và thu hút người xem.
Theo Quang Cuốn, “Khó khăn lớn nhất lúc mới tham gia nghề chính là thời gian, mỗi ngày mình mất khoảng 10-12 tiếng livestream, ngồi chơi game liên tục 12 tiếng không phải là điều dễ. Bên cạnh đó, mỗi ngày mình phải luôn tạo ra cái mới, có nội dung sáng tạo thì người xem mới quay lại với mình”.
Bên cạnh những khó khăn trên, một lợi thế không nhỏ dành cho các bạn trẻ hiện nay là các kiến thức về công nghệ cũng như các thiết bị, tiện ích công nghệ đã và đang hỗ trợ tích cực cho nghề streamer. Nhưng nếu thực sự muốn tham gia và theo đuổi công việc thú vị này, cũng như những công việc truyền thống khác, bạn sẽ cần phải chuẩn bị kỹ các hành trang kiến thức và trải nghiệm liên quan đến nghề, bên cạnh yếu tố tiên quyết là đam mê và thực sự nghiêm túc với nghề.
Như Quang Cuốn nói, “nghề này không hào nhoáng như bề ngoài bạn thấy. Thực tế thì bạn sẽ phải ngồi chơi game rất lâu, liên tục sáng tạo ra nội dung hấp dẫn để thu hút khán giả. Các bạn trẻ muốn theo đuổi đam mê cứ hãy mạnh dạn nhảy vào.”