Đã đi quá tuổi thất thập, bà Thuận vẫn từng ngày nặng gánh mưu sinh với hàng phở nhỏ ven đường của mình. Nhưng cuộc đời vốn không cho ai tất cả, và càng không lấy mất đi của ai mọi điều…
Giữa nơi Sài Gòn đất chật người đông này, chúng tôi có dịp biết đến hoàn cảnh của bà Thuận là một cụ già đã 72 tuổi nhưng vẫn còn nhọc nhằn với bao nỗi lo toan vất vả hàng ngày để trang trải cuộc sống.Bà là một người con gốc Huế chuyển vào Nam làm ăn sinh sống. Trải qua những thăng trầm và bể dâu cuộc đời, cách đây chừng 7 năm, bà mất nhà cửa, chồng bà bệnh nặng không qua khỏi và rồi để lại bà Thuận cùng một người con gái nương tựa nhau mà sống. Tuy vậy, bà Thuận vẫn là một lao động chính của gia đình bởi con gái bà chỉ vừa tìm được việc làm với nguồn thu nhập thấp và chưa ổn định. Hai mẹ con từng chuyển đến sống trong một ngôi nhà nhỏ ven bờ kênh Nhiêu Lộc.
Khi người ta bắt đầu tái xây dựng con kênh khiến kết cấu đất nơi đây thay đổi, căn nhà nhỏ của bà cũng theo đó mà sập sệ đi nhiều phần. Để dựng lại nơi che mưa trú nắng, có chút vốn bán buôn và sống tạm từng ngày, bà vay lãi cao, vay tiền nhà nước hay vay mượn hàng xóm đủ cả, và cứ thế làm lụng trả nợ dần. Gánh phở nhỏ bên chân cầu Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh, TP. HCM theo bà Thuận mấy mươi năm nay càng gắn liền với hình ảnh khắc khổ của bà, vẫn mỗi ngày giúp bà có thêm ít “đồng ra đồng vô” để chi tiêu sinh hoạt.


Bán gánh phở nhỏ ven đường, bà sao tránh được những ngày mưa nắng thất thường của trời Sài Gòn! Và sau một tháng ròng không mở bán được vì đợt giãn cách xã hội vừa qua, bà Thuận quyết định thức đêm dọn hàng giờ khuya để cho tạnh ráo và bán buôn được nhiều. Ngoài phở ra, bà còn chịu khó xoay vòng những món khác để “F5” khẩu vị cho những khách hàng của mình.
Ở cái tuổi mà bao người đã an phận đủ đầy và tựa con nhờ cháu cả rồi, bà Thuận vẫn còn cực khổ, vẫn phải xoay mình kiếm sống là vậy, nhưng bà không mất đi tất thảy những may mắn của một đời người. Bà Thuận được “trời phú” cho một sức khỏe dẻo dai hơn bình thường. Đối với bà Thuận, khó khăn dường như vẫn ngày qua ngày nối tiếp sau lưng mà đuổi bóng. Nhưng trong từng lời kể hay câu chuyện của mình, bà dường như chưa từng quên giữ lại mấy nụ cười chất phát và còn nhiều hy vọng. Chúng tôi trộm nghĩ đó phải chăng cũng là một lẽ được – mất của cuộc đời này?
Và công nghệ đã đưa gánh phở bà Thuận đến với nhiều người hơn
Chỉ có chút ít thời gian ngắn ngủi để tiếp xúc với bà Thuận và những con người xung quanh bà, từ bà hàng xóm đáng mến – người đã cho bà mượn một phần lớn khoảnh sân trước nhà để bán hàng cho đến những vị thực khách đã ăn phở chỗ bà từ năm 7 tuổi. Trong các câu chuyện của họ, đội ngũ CafeTek chúng tôi đều nhận ra sự cảm thông và sẵn lòng chia sẻ những điều nhỏ nhặt xung quanh gánh phở của bà cụ.
Trong đó, bà Phạm Thị Tuyết Nhung chính là người đã có dịp chứng kiến cuộc đời lam lũ của bà Lê Thị Thuận – nhân vật chính của câu chuyện – từ những năm trước giải phóng đến nay. Theo bà Nhung chia sẻ: “Bà ấy làm chẳng tính gì cả!”, bởi vì bà Thuận vốn tính tiền chẳng giỏi thật! Và cũng bởi quán nhỏ của bà là một gánh phở “ngon và no” mỗi khi được nhắc tới. Phở “ngon và no” đến khó kiếm được đồng lời.
Bà luôn tỉ mỉ chuẩn bị những tô phở nóng hổi ngọt lành đậm vị mà đầy ắp thịt thơm, mang bán với mức giá bình dân nhất, và sẵn sàng cho thêm gấp đôi phần bánh phở khi khách ngỏ lời. Đó cũng là một trong nhiều lý do khiến gánh phở của bà Thuận có những người khách quen đã yêu hương vị món của bà từ những năm lên 7 và cứ thỉnh thoảng lại ghé qua ủng hộ.
Và rồi điều gì đến cũng đã đến, CafeTek biết đến, tìm hiểu hoàn cảnh và rồi đã cùng GoJek lên kế hoạch để đồng hành hỗ trợ với mong muốn Gánh phở bà Thuận sẽ có thêm ngày một nhiều thực khách mới đến ghé thăm, ủng hộ. Chúng tôi tin rằng, tất cả đều là cách tạo hóa vận hành và bù khuyết mọi điều. Được nhìn thấy ánh mắt sáng rỡ và lắng nghe lời cảm ơn hạnh phúc đến từ bà Thuận cũng là lúc chúng tôi thắp lên hy vọng về một cuộc sống đỡ phần nhọc nhằn về sau cho bà với những niềm hạnh phúc nhỏ nhoi quanh gánh phở…
Nếu bạn biết đến hoàn cảnh nào cần giúp đỡ hoặc chính gánh hàng của bạn đang gặp khó khăn, hãy liên hệ với chúng tôi qua email: contact@cafetek.vn để không ai bị bỏ lại phía sau – đúng như thông điệp mà chiến dịch của chúng tôi đang theo đuổi.