GameFi là từ khóa làm mưa làm gió trong cộng đồng game thủ nói riêng và cộng đồng crypto nói chung trong vòng 1 năm trở lại đây. Liệu đây có thật sự là đáp án cho bài toán dành cho những thanh niên vừa mê chơi game, vừa thích kiếm tiền làm giàu? Hay GameFi có thật sự là mảnh đất béo bở dành cho các game thủ có thêm 1 nguồn thu nhập tiềm năng?


GameFi là gì?
Bạn chỉ cần hiểu đơn giản GameFi là sự kết hợp giữa “trò chơi” và “tài chính”, nghĩa là bạn vừa có thể chơi game giải trí vừa có thể kiếm được tiền và nếu bạn có 1 chiến lược bài bản thì đây có thể là nguồn thu nhập rất tiềm năng. Điểm đặc biệt hơn cả của GameFi là việc xây dựng thế giới ảo dựa trên công nghệ blockchain, sử dụng NFT và tiền điện tử. Mỗi dự án GameFi sẽ có cách ứng dụng các yếu tố tài chính khác nhau và GameFi được xem là 1 thuật ngữ khá rộng và nó sẽ không dừng lại ở mỗi việc chơi game kiếm tiền.


GameFi xuất hiện từ khi nào?
Mặc dù GameFi chính thức bùng nổ vào năm 2021 nhưng xu hướng của GameFi đã có từ năm 2013 khi mà website Gambit.com một thời đã tung ra các tự game như Bombermine cho phép người chơi kiếm được phần thưởng bằng Bitcoin. Sau đó nhờ sự ra đời của Ethereum vào năm 2015 đã mang đến làn gió mới cho các nhà phát triển trong việc lưu trữ và mang trò chơi lên trên blockchain, điển hình nhất thời điểm lúc đó là dự án CryptoKitties (mua, thu thập, nhân giống và bán mèo ảo). Những năm tiếp theo đó, sự quan tâm đến NFTs ngày càng gia tăng và công nghệ blockchain đã được tối ưu giúp gia tăng hiệu suất đã truyền cảm hứng đến sự đổi mới to lớn trong lĩnh vực GameFi và thuật ngữ GameFi lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 11 năm 2019 trong 1 bài phát hiểu tại hội nghị Blockchain thế giới Wuzhen ở Trung Quốc về cách mà công nghệ của tiền điện tử có thể mang một cuộc cách mạng lên ngành công nghiệp trò chơi. Kể từ đó thuật ngữ GameFi đã được sử dụng nhiều hơn với các dự án trò chơi kết hợp yếu tố tài chính và được xây dựng trên công nghệ blockchain.


GameFi hoạt động thế nào?
GameFi có vô vàn hình thức khác nhau, vì vậy cách mà người chơi kiếm tiền qua các trò chơi cũng sẽ khác nhau và từ “game” trong “GameFi” cũng sẽ rộng hơn, nó không chỉ gói gọn trong mỗi nghĩa của “trò chơi”.
Play-to-earn (P2E)
Play-to-earn là lĩnh vực chơi game kiếm tiền, vì P2E là xu hướng cốt lõi giúp GameFi lên 1 tầm cao mới nên nhiều người sẽ hiểu GameFi chỉ gói gọn trong việc chơi game kiếm tiền, giống như cách mà nhiều người hay nghĩ Bitcoin là Blockchain. hoạt động của mô hình P2E thì cơ bản là bạn sẽ chơi game: hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu với những người chơi khác, xây dựng căn cứ, đấu giải … sau đó bạn sẽ nhận các phần thưởng như tiền điện tử, hoặc cũng có thể là các tài sản khác trong game như đất ảo, trang phục, vũ khí … Tất cả những phần thưởng này đều sẽ là *NFT, bạn có thể giao dịch bán NFT đó đi và quy đổi về tài khoản ngân hàng của mình hoặc tiền mặt.
Move-to-earn (M2E)
Move to earn hiểu đơn giản là di chuyển để kiếm tiền, đó có thể là đi bộ, chạy bộ và sau đó người tham gia sẽ nhận được phẩn thưởng, phổ biến nhất hiện nay là các token riêng của từng dự án, sau đó bạn có thể giao dịch mua bán và rút về tài khoản ngân hàng trên các sàn giao dịch tiền điện tử. Nếu như ở mô hình P2E bạn phải ngồi chơi game liên tục thì mới có cơ hội kiếm được nhiều tiền thì M2E sẽ mang lại giải pháp về sức khỏe, vừa có được sức khỏe và vừa kiếm được tiền. Chính vì đánh vào nhu cầu “sức khỏe” mà thu hút được sự quan tâm từ nhiều độ tuổi khác nhau, mặc dù thuật ngữ Move-to-earn chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây nhưng đã là xu hướng làm mưa làm gió trong nhiều cộng đồng và mạng xã hội. Cách hoạt động thì cũng tương tự như P2E nhưng ở M2E để đảm bảo trả thưởng cho người dùng một cách công bằng và chính xác thì các dự án sẽ sử dụng công nghệ cảm biến chuyển động và GPS.


Các dự án GameFi hiện tại chỉ toàn là rác?
Đây là nhận định của rất nhiều người trong cộng đồng GameFi hiện nay khi họ đã tham gia và bị lừa quá nhiều.
- Game chưa kịp ra thì đã bị những Influencer/KOL, nhóm phát triển của dự án xả lên đầu những người mới vào, mất giá trị token và dự án “chết yểu”.
- Yếu tố tài chính bị đặt nặng nên chất lượng của game không được đầu tư và đảm bảo.
- Fomo quá nhiều dẫn đến biến động giá token quá lớn, hệ quả là việc thua lỗ khi mua bán.
- Dự án thành công được giai đoạn đầu nhưng không đi được lâu dài vì thiếu hụt nhân sự và sự đổi mới.
Tương lai nào cho GameFi?
Mặc dù hiện tại GameFi vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết và đó sẽ là bài toán cần những dự án tiềm năng sau này tìm ra lời giải, hy vọng sẽ có thêm những dự án thành công như Axie Infinity, đây cũng là trò chơi blockchain đầu tiên vượt mốc doanh số 1 tỷ USD. Hơn nữa, những gã khổng lồ về game như Ubisoft và Zynga đã lên kế hoạch phát triển các trò chơi blockchain. Cộng hưởng thêm tiềm năng phát triển của NFT và Metaverse, đây sẽ là những quân bài chủ lực khi đưa vào các trò chơi. Sau tất cả thì GameFi có 1 tương lai khá tươi sáng, bỏ qua những dự án đã làm ảnh hưởng đến thị trường thì chúng ta cùng chờ đón sự thay đổi và 1 sự bùng nổ mới với cái tên GameFi 2.0.