Các nền tảng mạng xã hội và Internet lớn trên thế giới vừa tuyên bố sẽ không cung cấp dữ liệu của người dùng cho các cơ quan thực thi pháp luật ở Hồng Kông, ít nhất là cho đến khi họ có đánh giá đầy đủ về luật an ninh mạng gây tranh cãi do Trung Quốc vừa áp dụng vào thành phố tự trị này.
Cụ thể, Facebook và dịch vụ nhắn tin WhatsApp cho biết họ sẽ “tạm dừng” việc xem xét các yêu cầu cung cấp thông tin từ chính quyền Hồng Kông để “chờ đánh giá thêm về tác động của Luật An ninh Quốc gia, bao gồm cả các tư vấn nhân quyền chính thức và tư vấn về quyền con người từ các chuyên gia.”
Trong đó, Facebook cho biết công ty tin rằng “tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và hỗ trợ quyền của mọi người thể hiện bản thân mà không phải lo sợ về sự an toàn của họ hoặc những hậu quả khác”.
Ngoài Facebook, Twitter cũng vừa xác nhận với CNN Business rằng, họ đã tạm dừng tất cả các yêu cầu từ chính quyền Hồng Kông về dữ liệu và thông tin cho tới khi họ có đánh giá đầy đủ về dự luật mới. Tương tự, Google tuyên bố “tạm dừng cung cấp bất kỳ yêu cầu dữ liệu mới nào từ chính quyền Hồng Kông và sẽ tiếp tục xem xét chi tiết về luật mới.”
Dự luật mới vừa được Trung Quốc áp dụng với Hồng Kông đã hình sự hóa các hình phạt đối với hoạt động ly khai, lật đổ chính quyền hoặc thông đồng với các “thế lực thù địch nước ngoài”. Các điều luật này được định nghĩa một cách khá mơ hồ để mở rộng quyền lực cho chính quyền điều tra, truy tố và trừng phạt bất cứ ai có hoạt động đi ngược với quan điểm của chính quyền Trung Quốc, một sự thay đổi sâu rộng mà các nhà phê bình mô tả là đã tấn công vào quyền tự do ngôn luận và báo chí, vốn được coi là điểm khác biệt của Hồng Kông từ trước đến nay so với Trung Quốc đại lục.