Dịch vụ thuê bao các robot vận chuyển hàng hóa của vị CEO 36 tuổi đang được các công ty logistic (hậu cần) yêu thích và tin dùng.
Ở độ tuổi 36, hiện Adam Jiang là nhà sáng lập kiêm CEO của Syrius Robotics, một công ty khởi nghiệp ở Thâm Quyến. Anh đã chính thức bước vào thương trường vào đầu năm 2006 sau khi gọi về cho cha của mình ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
Qua điện thoại anh thông báo ngắn gọn, “con sẽ tới Nhật tìm việc, cha ạ“, rồi cúp máy bỏ mặc sự tức giận của ông. 14 năm sau, chàng trai từng rời bỏ cha mình để sang Nhật khởi nghiệp giờ đây đã trở thành một thế lực mới trong cuộc cách mạng ngành kinh doanh kho bãi.
Syrius Robotics sản xuất các chip dựa trên kiến trúc AMR, hoặc các robot di động tự điều khiển, được sử dụng để di vận chuyển hàng hóa trong kho. Cùng với sự phát triển của xu hướng mua sắm trực tuyến, lượng hàng hóa được tập kết ở các kho hàng đã phát triển theo cấp số nhân. Trước đây, nhiều nhân công và phương tiện vận chuyển truyền thống đã được thay bằng các phương tiện chuyển hàng tự động, chúng sẽ di chuyển dọc theo các đường dẫn vạch sẵn (đánh dấu bằng băng từ hoặc các đường kẻ sáng màu trên sàn nhà).
Nhưng các robot và thiết của Jiang thì khác, ông gọi nó là robot hậu cần có tư duy. Mỗi robot được trang bị một chip tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tự xác định vị trí của nó qua bằng khả năng phân tích hình ảnh môi trường và phối hợp nhịp nhàng với các robot khác thông qua giao tiếp không dây với chúng. Các robot tự động vận chuyển các mặt hàng mà nhân viên kho bãi giao cho chúng để chuyển đến các địa điểm định sẵn. Chúng có thể tự xử lý dữ liệu mà không cần chờ các thao tác hướng dẫn thủ công từ người điều khiển.
JD.com , một doanh nghiệp thương mại điện tử lớn của Trung Quốc và các công ty địa phương khác đã đặt hàng tổng cộng khoảng 80 robot để bù đắp cho sự thiếu hụt nhân công tại các kho hàng của họ. Tại Nhật Bản, nơi Syrius Robotics bắt đầu bán mẫu robot này vào tháng 4 thông qua sự hợp tác của Mitsubishi, cũng đã bán ra được hơn 40 robot.
Jiang hiện đang phát triển một doanh nghiệp dựa trên thuê bao cho các mẫu robot của mình. Các thiết bị có thể tự động lập bản đồ môi trường xung quanh và tự di chuyển, cho phép chúng hoạt động độc lập trong các kho bãi với nhiều tình huống bố trí khác nhau. Đây là một công cụ có thể thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghiệp hậu cần, nơi các cơ sở vận chuyển hàng hóa của kho là một khoản đầu tư lớn.


Vượt qua cái bóng của cha
Jiang sinh năm 1983 và là con của một quan chức kỹ thuật trong chính quyền thành phố Tây An. Anh giỏi về khoa học và toán học, đã từng giành được giải bạc trong một cuộc thi vật lý ở tỉnh Thiểm Tây khi còn học trung học. Nhưng chàng trai trẻ thông minh đã đi một con đường sự nghiệp khác với người mà bố anh từng kỳ vọng và vạch sẵn cho anh.
Điểm số của anh ở trường trung học đủ tốt để thu hút sự quan tâm từ các trường đại học hàng đầu ở Bắc Kinh và Thượng Hải, nhưng theo yêu cầu của cha anh đã chuyển đến đại học Giao thông. Anh tiếp tục học về AI nhưng sự bất mãn của anh ngày càng tăng. Sau khi anh tốt nghiệp, cha anh muốn anh đi nối bước trở thành một công chức kỹ thuật tại chính quyền thành phố cũng như sắp xếp một cuộc hôn nhân “phù hợp”.
Nhưng anh đã từ chối “thảm đỏ” vạch sẵn đó và nhận lời mời làm việc trong vai trò một nhà phát triển hệ thống tại Nhật Bản. Sau một năm làm việc tại Nhật, Jiang bắt đầu học cao học ở Mỹ nhưng anh đã bỏ học sau khi học bổng của anh bị gián đoạn vì khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sau đó, anh làm kỹ sư tại một công ty công nghệ thông tin, thường xuyên đi lại giữa Mỹ và Nhật.
Jiang cho biết anh “chỉ thích máy tính và chưa hề nghĩ đến việc kiếm sống từ nó”. Dù đã đảm nhận những công việc mà anh bắt đầu thấy thú vị, như phát triển máy thu cho các chương trình truyền hình số mặt đất trên điện thoại di động. Nhưng anh vẫn chất chứa nhiều trăn trở…
“Phát triển công nghệ sẽ vô nghĩa khi nó không phục vụ xã hội“, đây là kết luận mà anh nhận ra khi làm việc về công nghệ thực tế tăng cường (AR) với Google khi đang là một kỹ sư tại Nvidia vào khoảng năm 2015. Sau đó, anh bắt đầu có ý tưởng sử dụng robot AI để giải quyết các vấn đề thiếu hụt lao động tại các trung tâm logistic và chọn Thâm Quyến là điểm đến. Đó chính là khi các chip ARM của Syrius ra đời.
Sau cùng, Jiang cũng đã hòa giải với cha của anh, thậm chí họ đã cùng nhau đi du lịch tại Nhật. Jiang chia sẻ, “tôi muốn được công nhận tại Nhật Bản, một quốc gia chế tạo robot hàng đầu“. Anh dự định sẽ trau dồi kỹ năng kinh doanh tại Nhật, nơi các khách hàng có yêu cầu khắt khe hơn, trước khi quay trở lại chinh phục thị trường khổng lồ Trung Quốc ở quê hương.