Cuộc thi AIoT Developer InnoWorks 2021 đã chính thức được phát động từ ngày 18/03. Sau 7 tháng diễn ra, trải qua các vòng thi tuyển chọn, 5 đội thi xuất sắc nhất sẽ chính thức tham gia vào vòng Chung Kết của cuộc thi Phát triển ứng dụng vào ngày 19/09 sắp tới thông qua hình thức trực tuyến.
AIoT Developer InnoWorks 2021 do Tập đoàn Advantech Việt Nam phối hợp cùng trường Đại học Khoa học Tự nhiên Tp. Hồ Chí Minh và Cục công tác phía Nam Bộ Khoa học & Công nghệ phối hợp tổ chức. Đây là cuộc thi giúp khuyến khích các sinh viên sáng tạo có cơ hội hiện thực hóa những ý tưởng táo bạo của mình xoay quanh những vấn đề đang nóng của đất nước như dịch Covid-19, an toàn giao thông, nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục… Nhằm đem lại những giá trị thực tiễn, hướng đến một lối sống tương lai thuận tiện cho tất cả mọi người.


Sau 2 ngày thi đầy cam go và thử thách tại vòng Bán Kết vừa qua, bằng cách chứng minh năng lực và sự nỗ lực của mình trong quá trình phát triển nên những ý tưởng sáng tạo thì cuối cùng BTC đã lựa chọn được 5 đội thi xuất sắc nhất để chính thức tham gia vào vòng Chung Kết cuộc thi InnoWorks 2021.
Để chuẩn bị thật tốt cho vòng cuối cùng này, các bạn sinh viên của 5 đội đã được những chuyên gia của Advantech hỗ trợ và đào tạo chuyên sâu nhằm dần hoàn thiện sản phẩm ứng dụng của mình trước thềm Chung kết. Bên cạnh đó, thông qua các hệ thống phần cứng được Advantech tài trợ, những đội thi sẽ có điều kiện chạy thử, kiểm tra giải pháp và đánh giá tính năng, hiệu quả về dự án của mình.
Với 5 ý tưởng ứng dụng sáng tạo, đầy tính thiết thực mà các bạn trẻ đang phát triển được hy vọng sẽ đem đến một cuộc sống thuận tiện trong tương lai bao gồm:
NỀN TẢNG PHÒNG XẾP HÀNG ẢO CHO BỆNH VIỆN – QQUEUE
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các bạn trẻ của nhóm QQueue mong muốn tạo ra một mô hình giúp người bệnh có thể đặt lịch, xếp hàng tại bệnh viện một cách dễ dàng mà không cần phải tiêu tốn quá nhiều thời gian trong việc chờ đợi. Nhóm đã hướng đến 3 mục tiêu chính là Không bị động – Không gián đoạn – Không chạm.


Bằng công nghệ AI, hệ thống sẽ phân tích thông số liên quan tới thời gian thực hiện quy trình thăm khám tại các bệnh viện, người bệnh chỉ cần đăng nhập, chọn phòng khám và thời gian mình muốn khám, sau đó người bệnh có thể căn cứ vào lịch khám để đến cơ sở y tế mà không phải chờ đợi như lúc trước.
“Mô hình phòng xếp hàng ảo” sẽ giúp bệnh viện dễ dàng kiểm soát và quản lý số lượng người khám, hạn chế chi phí cơ sở vật chất cho phòng chờ và tăng năng suất làm việc của tất cả nhân viên y tế mà không phải lo lắng cho việc quá tải. Cùng với đó, bệnh nhân chủ động hơn trong quá trình khám, chữa bệnh, giúp tiết kiệm được thời gian, tránh tụ tập và nâng cao công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh như hiện nay.
HỆ THỐNG PHÂN TÍCH CAMERA THÔNG MINH – APCS K18
Trong công cuộc thành phố hướng đến mục tiêu trở thành một đô thị thông minh và đổi mới, nhóm APCS K18 nhận ra điều trước hết để góp phần xây dựng một đô thị thông minh là ở việc camera ở những ngóc ngách trên địa bàn cần cải tiến để chúng có thể hoạt động mà không cần sự giám sát của con người. Do đó, nhóm bắt tay để cùng tạo ra một hệ thống giám sát camera thông minh nhằm hướng tới một tương lai không còn phụ thuộc vào cán bộ trực, có thể áp dụng nó ở mọi địa điểm công cộng trên toàn thành phố.


Cụ thể hơn, camera sẽ thu thập dữ liệu từ thế giới thực, sau đó dữ liệu sẽ được gửi đến các thuật toán xử lý thông minh để rà soát những hình ảnh từ camera bằng cách nhận diện khuôn mặt, phát hiện vật thể, phân loại ảnh,… thay thế cho sức lực con người khi phải quan sát thủ công hình ảnh từ camera. Những dữ liệu hình ảnh này sau khi được xử lý xong sẽ được các thuật toán đưa đến mô-đun tiện ích để trực quan hóa cho người dùng dễ dàng sử dụng. Cung cấp một công cụ hỗ trợ đắc lực cho chính quyền, cho người dân, giúp thành phố trở nên văn minh hơn và an toàn hơn.
SIÊU THỊ THÔNG MINH VÀ XE ĐẨY TÍCH HỢP THANH TOÁN TỰ ĐỘNG – SR.TKNK
Trong thời kỳ bình thường mới, việc ngăn chặn sự hoành hành của Covid 19 luôn được đặt lên hàng đầu, do đó cũng như các bạn sinh viên của nhóm SR.TKNK cũng mong muốn tạo nên một sự tiện ích mới cũng theo 3 tiêu chí chính là Không bị động, không gián đoạn và không chạm. Nhận thấy hình ảnh về các quầy tính tiền tại siêu thị bị quá tải gây tập trung đông người, không tuân thủ theo phương pháp giãn cách cũng như dễ xảy ra tình trạng xô lấn nhau.


SR.TKNK đã xây dựng nên mô hình Hệ thống siêu thị thông minh và xe đẩy tích hợp thanh toán tự động. Ở mô hình siêu thị thông minh, nhóm sẽ cấp mã QR để khách hàng đăng nhập vào hệ thống xe đẩy thông minh. Trong quá trình mua hàng, trí tuệ nhân tạo AI trong camera trên xe đẩy sẽ nhận diện mặt hàng được bỏ vào xe từ đó tự động thêm vào giỏ hàng online của khách trên hệ thống siêu thị. Việc mua hàng sẽ được hoàn thành khi khách đẩy xe tới vị trí thanh toán thông minh của siêu thị, chỉ trong 30s hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng của khách hàng và trả hoá đơn cho khách. Mang lại cho người dùng một phương pháp chủ động hơn trong thanh toán, hạn chế sự tiếp xúc và khoảng thời gian bị lãng phí trong việc chờ đợi.
Bên cạnh đó, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong hệ thống camera thông minh có thể thu về dữ liệu xác định được những hành vi bất thường từ đó trích lọc ra các video để làm dữ liệu cho việc lập mô hình dự đoán hành vi trộm cắp và gửi ngay cảnh báo đến nhân viên giám sát siêu thị một cách kịp thời.
MÔ HÌNH NHÀ YẾN THÔNG MINH – SIREAL
Trong 10 năm trở lại, ngành nuôi yến phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam và chủ yếu là từ các trại nuôi tự phát từ hộ gia đình, đây được xem là một nghề “bạc tỷ” bởi nguồn thu nhập khủng mà người nuôi có được từ loại chim trời này. Không mất công tìm con giống, không mất chi phí chăm sóc, người nuôi yến chỉ cần xây nhà Yến và dẫn dụ yến về bằng âm thanh.


Để tạo không gian sống hợp lý cho đàn yến, chủ hộ cần phải thường xuyên theo dõi độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng… tuy nhiên điều đó dễ khiến cho đàn yến hoảng sợ, cùng với đó là sự xuất hiện của Những loài thiên địch như chuột gián, rắn, ..v.v. khiến cho đàn yến trở nên nhạy cảm và giảm đi đáng kể số lượng trú lại làm tổ, làm thiệt hại về năng suất cho chủ nuôi yến.
Do đó, ba bạn trẻ nhóm SIReal đã tạo ra Mô hình nhà yến thông minh, sử dụng giải pháp IoT kết hợp cùng AI để chủ hộ nuôi yến có thể xem trực tiếp nhu cầu của loài chim này, giúp trực tiếp quá trình quản lý, theo dõi từ xa bằng việc trực tiếp nhận được hình ảnh và kèm theo số liệu ghi nhận tại nhà yến trong thời điểm thực, hạn chế tối đa việc ra vào nhà yến, tiết kiệm nhân công, thời gian và tránh gây bất an cho đàn yến.
HỆ THỐNG NÔNG TRẠI THÔNG MINH – TRIPLE O
Khi kinh tế ngày càng phát triển, ngành chăn nuôi lại gặp phải vô vàn những thách thức, đặc biệt là đối với những hộ chăn nuôi vừa và nhỏ. Quá trình kiểm soát các chỉ số ánh sáng, nhiệt độ, lượng nước, thức ăn,.. tiêu tốn thời gian, nhân lực và cũng không đảm bảo độ chính xác 100%. Chưa kể, sự đo lường và quyết định của người nuôi đều thực hiện bằng cảm tính khiến nhiều hộ chăn nuôi truyền thống khó theo được guồng quay phát triển hiện đại. Trong tương lai, nguy cơ xóa sổ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là rất cao và nguy cơ thiếu hụt trứng là hoàn toàn có thể xảy ra.


Vậy nên, với mong muốn tự động hoá quy trình quản lý, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí của người chăn nuôi, nhóm Triple O đã xây dựng dự án “Hộ nuôi gà thông minh” với kỳ vọng sẽ mang đến 1 khởi đầu hoàn hảo đối với những hộ chăn nuôi nhỏ & vừa trong quá trình bắt kịp quá trình chuyển đổi số ngành công nghiệp chăn nuôi tại Việt Nam.
Thông qua các cảm biến thông minh, hệ thống sẽ xử lý và phân tích dữ liệu bằng các mô hình thống kê, học máy trong lĩnh vực của AI để đưa ra những thông tin, dự báo về tình trạng môi trường trong chuồng. Từ đó, chủ nuôi sẽ tự động hoá quy trình quản lý, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, giúp người chăn nuôi gà có thể theo dõi và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, nồng độ amoniac… trong chuồng trại. Cũng như nhận được các thông báo kịp thời và có thể điều chỉnh những chỉ số môi trường từ xa chỉ bằng một nút nhấn trên giao diện được xây dựng dựa trên nền tảng Advantech cung cấp.
Trong vòng chung kết sắp tới, 5 đội thi sẽ phải trình bày sản phẩm sáng tạo của mình trước BGK và những người xem. Với cơ cấu giải thưởng lên đến 100 triệu đồng:
– 01 Giải Nhất: 50.000.000 đồng
– 01 Giải Nhì: 30.000.000 đồng
– 01 Giải Ba: 20.000.000 đồng
– 02 Giải Khuyến khích: 10.000.000 đồng/giải
Cùng với đó, các sinh viên đăng ký tham dự và hoàn thành Vòng huấn luyện đều nhận được Giấy chứng nhận từ Ban tổ chức của InnoWorks 2021.
Hãy cùng CafeTek theo dõi chặng đường cuối cùng của những bạn trẻ đầy nhiệt huyết và đam mê vào lúc lúc 8h30 sáng ngày 19/09 thông qua hình thức trực tuyến tại fanpage AIoT InnoWorks 2021.


ĐOAN TRANG TRẦN