Thành phố thông minh (smart city) đang là đề tài được các quốc gia và tổ chức nghiên cứu, phát triển và theo đuổi trong tổng thể quy hoạch chung sắp tới. Đó cũng chính là vấn đề mà Viện Đô thị thông minh và quản lý (ISCM) trực thuộc trường Đại học Kinh Tế TP.HCM chọn làm mục tiêu theo đuổi, một môi trường mở cho các sinh viên cùng nhau giải quyết bài toán về đô thị thông minh.
Trong bối cảnh các khu chợ truyền thống đang dần bị lép vế trước các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi tràn ngập, đặc biệt ở các khu đô thị sầm uất như TP.HCM. Đó cũng là lúc cuộc thi “Shaping the Unknown Future Toward Smart city” của ISCM về đô thị thông minh được phát động ở quy mô toàn cầu với sự tham gia của nhiều trường ĐH và các tổ chức trong và ngoài nước.
Trong cuộc thi này, các nước như Việt Nam, Hàn Quốc và Myanmar sẽ tự chọn một chủ đề riêng. Trong đó, các chủ đề được ban tổ chức Việt Nam chọn chính là 3 khu chợ tại TP.HCM, bao gồm Chợ Bến Thành, Chợ Bàn Cờ và Chợ Bà Chiểu. Nhưng vì sao 3 khu chợ này lại trở thành đề tài của một cuộc thi về đô thị thông mình?
Hãy cùng Cafetek gặp gỡ bà Trịnh Tú Anh – Giám đốc viện ISCM TP.HCM để tìm hiểu về câu chuyện thú vị này:
CafeTek: Chào bà, đâu là đối tượng và lợi ích mà cuộc thi hướng tới?
Bà Trịnh Tú Anh, Giám đốc ISCM: Lợi ích đầu tiên dành cho sinh viên của chúng tôi là tính linh hoạt/linh động và thực tế trong bối cảnh tương lai biến động, mọi thứ thay đổi không thể định hình trước, họ sẽ đưa ra các sáng kiến ứng phó với các thay đổi đó theo con mắt của họ. Lợi ích xa hơn mà chúng tôi muốn mang đến là cho dù tương lai có điều gì xảy ra thì chúng tôi vẫn có thể kết hợp được với nhau nhờ mạng lưới bạn bè quốc tế và trong nước, để hỗ trợ hoạt động hỗ trợ phát triển cho sinh viên. Thứ ba, qua thông điệp mà chúng tôi đang làm, nếu tổ chức tốt các khu chợ truyền thống của TP.HCM sẽ góp phần tạo ra bản sắc đặc trưng và giữ lại các giá trị văn hóa truyền thống, giúp chúng không bị thay thế bởi những cao ốc hay các khu mua sắm hiện đại.
Qua đó, chúng tôi muốn tích hợp các trường đại học với nhau, các bên liên quan và tính cộng đồng cùng sự sáng tạo của sinh viên để góp phần giải quyết các vấn đề đô thị theo hướng phát triển đô thị thông minh và bền vững.


Còn mục tiêu của chuỗi sự kiện “Shaping the Unknown Future Toward Smart City”của trường Đại học Kinh tế TP.HCM phối hợp với nhiều trường đại học lớn trên thế giới tổ chức đặt ra là duy trì khả năng hợp tác giữa các trường đại học để thực hiện mục tiêu chung trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, khiến việc hợp tác quốc tế khó khăn.
Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động định hình lại các thành phố và đô thị sẽ như thế nào để cùng nhau vượt qua đại dịch và phát triển bền vững cho tương lai sau dịch.
Vậy với chuỗi sự kiện “Shaping the Unknown Future Toward Smart City” lần này ISCM đặt ra mục tiêu và kỳ vọng như thế nào?
Khi phát động cuộc thi này với phía Hàn Quốc, Myanmar và Việt Nam, ban tổ chức muốn tạo ra một sân chơi cho các sinh viên có tư duy thiết kế mới cho đô thị thời hậu đại dịch dưới góc nhìn của sinh viên, qua đó tìm ra nhóm đối tượng nào dễ bị tổn thương nhất trước và sau đại dịch để có sự chuẩn bị tốt nhất.
Đối với một quốc gia, họ sẽ chọn một chủ đề khác nhau. Tại TP.HCM chúng tôi chọn chợ truyền thống – đây chính là nơi dễ bị tác động nhất trong tương lai vô định đặt ra, qua đó tìm cách giải quyết hai thách thức lớn: Thứ nhất, làm sao để giữ chợ truyền thống tồn tại và phát triển? Thứ hai, liệu nó có thể thay đổi như thế nào để bắt kịp tương lai?


Chợ bến thành là biểu trưng và truyền thống, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong quy hoạch đô thị hiện đại, đứng trước nguy cơ mà ai cũng thấy rõ. Trong khi chợ Bàn cờ về cơ bản là một chợ phi chính thức, nhưng quá trình người dân mua sắm đông đúc dần đã được quy là một cái chợ chính thức. Nhưng địa điểm này không được xây dựng để trở thành chợ nên nó dựa trên sự phát triển và hình thành của các con số, tạo ra giá trị đặc trưng riêng. Chẳng hạn, buổi sáng nó là một cái chợ, nhưng biểu chiều lại trở thành một không gian sinh hoạt chung, v.v…
Cuối cùng là chợ Bà Chiểu – chính xác là khu vực xung quanh chợ Bà Chiểu – khu vực tự phát và phát triển mạnh mẽ dù không được công nhận nhưng ai cũng nhận ra việc mua bán ở đó tiện hơn nhiều so với việc đi vào chợ truyền thống, nên tác động của chợ truyền thống bị giảm đi. Chúng tôi nghiên cứu site thứ 3 này – tức là các khu phố – chợ phát triển xung quanh.
Vâng, xin cám ơn bà đã dành thời gian với CafeTek, chúc bà và ISCM tiếp tục gặt hái nhiều thành công.